Hiển thị các bài đăng có nhãn Khói quê. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Khói quê. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

Nhạc - Thơ - Văn Khói lam

Truyện ngắn "Lạc quê"

Nhớ Khói Lam Chiều 

Khói quê

Kết quả hình ảnh cho Nhớ khói
Nhớ khói
Nhạt nhoà theo gió phôi pha,
Hương gây mùi nhớ xót xa đắng lòng ?!
Thương thời khói toả mênh mông,
Khói ôm mái lá bên sông mịt mờ ...
Giữa đồng khói nhẹ như tơ,
Quẩn quanh cỏ dại nương nhờ gió đưa !
Khói sáng sớm, khói chiều mưa...
Xa rồi....lâu lắm tôi chưa quay về !!
Đường đời che khuất khói quê,
Một lần ao ước được về lối xưa...!!
NM

Kết quả hình ảnh cho Nhớ khói
 Nhớ khói
Lâu lắm rồi tôi không ăn cơm bếp, lâu lắm rồi không ngửi thấy mùi khói hăng hắc giữa trưa nắng chang chang và tiếng nói của mạ vọng ra từ mái nhà tranh xiêu vẹo.
Cái nền đất cũ mọc lên ngôi nhà mới, hình ảnh mái nhà tranh thỉnh thoảng trở về trong ký ức tôi. Trên thực tế, mái nhà xưa không còn. Cuộc sống ngày một giàu có hơn về vật chất cũng có trả giá thiệt hơn về đời sống tinh thần. Thực lòng tôi tiếc nuối, đôi khi chậc lưỡi mà rằng hết rồi mái nhà tranh, khói lam chiều cũng chỉ còn là kỷ niệm.
Ngày xưa nghèo, trong những gian lao con người không hối hả, họ sống chậm nên ngẫm hết được mọi sự đời. Cuộc sống giờ đây dễ đánh mất sự thảnh thơi. Tự mình thay đổi chứ không ai bắt ép. Ngày ấy, tôi ước mong có mái nhà lợp ngói để ra khỏi mái nhà tranh mùa nắng chiếu vào tận giường, mùa mưa nước nhỏ giữa nền nhà thon thót. Không gì bằng một giấc ngủ ngon trong chăn ấm, gió không thể lùa vào ngôi nhà kiên cố. Giờ tôi đã đạt được ước mong của cuộc đời mình. Nhưng chính thứ mà tôi muốn giã từ giờ trở về khuấy động. Nỗi nhớ cứ nhưng nhức ở tận đáy lòng khi nghĩ về mái nhà xưa. Phải chăng đó là chút duyên nợ trong những ngày khốn khó?
Tôi tự hỏi lòng mình, có bao nhiêu thứ phồn hoa thời hiện đại không nhớ, không thương lấy chi tháng ngày bần hàn làm kỷ niệm riêng tư. Cũng không phải khó hiểu, khi phần lớn đời mình gắn liền với một miền quê mà ở đó tiếng gọi nhau chiều hôm là tiếng lòng yêu thương như tiếng kêu của lũ chim gọi nhau về tổ ấm. Có quá nhiều thứ để tôi nhớ mong, dáng cha vác cày, anh trai tôi đi đủng đỉnh dắt trâu từ cánh đồng về, mớ rau mẹ mang trên tay chuẩn bị lo cho gia đình bữa cơm đạm bạc. Gánh nước trên vai chị và nắm củi khô trên tay em. Bao nhiêu thứ đó đều hội tụ về một mái nhà. Và dưới những liếp tranh, nơi nhỏ nhoi nhưng đầy ắp những con người cứ chí chới gọi nhau. Lúc thì nồi khoai, lúc vài quả bắp, khi quả mít chín thơm tho mới hái từ vườn vào. Tất cả mọi thứ đều diễn ra dưới mái nhà tranh, những yêu thương gói vào đó thơm tho như vỏ quả mít ủ trong đó những hương thơm ngầy ngậy. Trong ký ức tôi hằn lên những chiều mưa. Dù cơn mưa rả rích hay những trận mưa nước ngập vào tận nhà thì khói lam chiều vẫn bốc lên trên mái nhà đơn sơ. Tôi thường hay ngắm khói. Từ mái nhà tranh những giọt mưa rớt xuống như tấm mành trong khi đó trên mái tranh khói vẫn thả lên trời vương vãi. Những lúc tôi đứng ngắm mưa rơi, tôi nhìn khói bay... cha thường bảo thằng này sau đa cảm lắm. Hồi đó tôi chưa biết đa cảm là gì, giờ ngộ ra đó là chút tình vương trong trời đất, không nhiều nhưng đủ để người ta nhớ, không đủ dày để kết nối yêu thương nhưng cứ vất vưởng lên trời như làn khói dễ đến mấy chục năm khấp khởi ùa về.
Gần đây tôi lên miền núi, khi chiều tận ngọn núi và mặt trời vừa lúc nằm quên trên hàng cây xanh phía đỉnh đồi. Khói nhà ai đã bốc lên, trên miền rừng giờ vẫn lác đác những mái nhà tranh, sau cơn mưa khói từ mái nhà lên màu lam. Càng lên cao, gió thổi khói bay giữa không gian và màu lam chuyển sang màu trắng mỏng tang và bay đi cùng gió. Chợt dưng tôi nhớ nhà quay quắt, ngôi nhà của hơn ba mươi năm trước nằm bên cạnh cánh đồng, phía trước là con sông còn sau lưng là dãy núi. Đôi lúc tôi tự hỏi, phải chăng tôi thèm khói cùng với những yêu thương. Cha đi hơn chục năm để lại ngôi nhà trống vắng, mạ không còn nhóm lửa nấu cơm bởi cuộc sống hiện đại đi mất rồi. Và nữa, làng xóm ngày xưa một bước đã sang được nhà nhau giờ xây hàng rào bằng bê tông kín mít. Cửa nhà khép lại cùng với cửa lòng. Trong thênh thang trời đất tìm người tri kỷ còn khó hơn tìm làn khói lam chiều giữa miền quê heo hút. Những kỷ niệm nhắc hoài không nhớ, những điều ngày xưa tưởng chừng là ký ức chung, làn khói lam chiều từ mái nhà tranh đã trôi vào một nơi nào đó trong tiềm thức. Càng cố tình khơi dậy nó càng bị người ta lãng quên.
Tôi thường chép ngày xưa thành trang ký ức cho riêng mình. Để rồi tận đẩu tận đâu có người nhắc rằng tôi nhớ dai dễ sợ. Tôi cười, có lẽ phải cảm ơn những ngày xưa, cảm ơn những thanh củi mục đang còn thấm nước. Ngày ấy, vào mỗi mùa mưa, cả con sông trước nhà sóng vồn lên dữ dội. Tôi là đứa thích bơi sông, nhất là sóng càng to càng khiến tôi phấn khích. Ra giữa sông mùa lũ để vớt củi từ miền rừng trôi về làm nhiên liệu cho gia đình trong suốt mùa đông. Đó là lí do chính đáng, đồng thời với nó là thỏa mãn đam mê sóng nước của mình. Củi được vớt từ sông, anh trai tôi mang lên bờ bổ nhỏ rồi chị gái tôi gánh vào nhà. Mái nhà tranh chất đầy củi cạnh bếp, lúc đút củi vào hơi nước từ đó bốc ra vờn lên mái tranh rồi thả khói lên trời. Màu lam ngày ấy giờ chợt cay tròng mắt. Nó lạ như thế, nhiều lúc tôi nhớ khói kèm với nhớ sông, nhất là sông mùa lũ lụt. Rồi tôi ngẫm, câu chuyện cho riêng mình. Việc bơi ra giữa sóng nước bao la vớt một cây gỗ lớn vào bờ tưởng chừng như khó khăn nhưng lại đơn giản. Còn việc bơi qua cuộc đời mình, vớt lấy chính mình trong dòng chảy bao la của cuộc sống tưởng chừng giản đơn nhưng rất đỗi nhọc nhằn. Có quá nhiều lúc tôi gục đầu, cũng có lúc giọt nước mắt không nhỏ xuống đất mà chui vào cổ họng khiến giọng nói tôi trở nên nghẹn đắng. Đã có những lúc buồn đau, bí bách như cái đứa trăm năm khát một con sóng ngoài khơi hay người chờ đến ngày dài tháng rộng từ mái nhà xưa vẫn không chụp được màu khói. Những lúc đó tôi thường ghé nơi thanh tịnh, lúc là mái nhà sàn giữa rừng, có khi là mái chùa trong thôn vắng. Ngồi ngẫm đời chơi và đếm xem mình bao nhiêu tuổi, nhìn lá vàng rơi giữa những ngày thu se lạnh và đếm xem bao ngày khói đi qua.
Cuộc đời trôi theo những yêu thương và đứng lại cùng màu nhớ. Có hôm tôi nhớ làn khói xưa thấy tội. Hồi nhỏ cứ bảo nhau rằng “khói lên trên trời thành mây” đó là suy nghĩ thời trẻ thơ mỗi khi chiều về ngắm khói. Giờ thả lòng theo nỗi nhớ vẫn còn ngây dại khi nỗi nhớ cứ đi theo khói mấy chục năm rồi. Đôi lúc cũng thắc thỏm nghĩ, sau khói là gì, nếu đơn thuần khói lên trời thành mây thì kiếp sống phù sinh đã có hồi kết quả. Chợt vui cho phận khói, chợt thấp thỏm cho phận mình. Mình... lên trời thành chi?
Hoàng Hải Lâm

Cõi Nhớ

Nỗi nhớ,
Lặng ngắm hoàng hôn trong khói bay,
Chút tình lưu luyến mãi chưa phai...
Khói lam vương vấn lòng cô lữ,
Tỉnh thức chìm trong "cõi nhớ" say ?!!
NM

 Khói lam
Ngày hai cữ sáng – chiều, Giang thường cầm chổi quét cho sạch đám lá si rụng đầy sân chùa. Giang đã bắt đầu biết quan sát mọi thứ xung quanh trong sự tĩnh lặng.
Ngôi chùa được dựng trên nền khuyết của một vách núi tự bao giờ, Giang cũng chẳng biết. Giang vô ở hẳn trong chùa năm tám tuổi. Là chú tiểu, nó đã ở đây với thầy trụ trì được tám năm. Bây giờ, Giang mười sáu. Giang chỉ nhớ mang máng lời ngoại kể. Khi nó chào đời, gia đình bắt đầu khánh tận. Tuổi thơ của Giang trôi đi trong nỗi khốn khó của gia đình. Ba – má đi coi bói, ông thầy nói Giang là khắc tinh nên đem vô chùa gởi cho nhẹ nghiệp chướng.
Ngày ngoại mất, Giang khóc thiệt nhiều. Thầy dẫn nó xuống núi viếng ngoại. Chỉ kịp nghe thầy đọc xong bài kinh sám hối, thắp mấy cây nhang cho ngoại rồi Giang lại được thầy dẫn quay về chùa.
Có vài lần, gia đình quày quả lên chùa thăm. Những lúc ấy, Giang thấy lòng rộn ràng. Nó được ăn nhiều thứ trái cây, bánh kẹo mà nhà chùa không có sẵn. Giang vui. Trong niềm vui thoáng qua của những câu chuyện xóm làng.
Thầy thương Giang lắm. Nhưng cũng rất khắt khe với nó theo giới luật của nhà chùa. Vì Giang là đứa trẻ hiếu động. Thầy dạy học cho Giang qua kinh kệ và tưới vào hồn nó những bài đức dục không làm xao động lòng trần.
Hổng biết sao, chiều nay Giang nhớ nhà ghê gớm. Nó ra trước sân, nhìn xuống chân núi. Ánh hoàng hôn phủ lên ngút ngàn ruộng lúa xanh rì kéo dài tận chân trời. Giang phóng tầm mắt theo sự dịch chuyển của đàn cò phía bên kia lũy tre chỉ còn là những chấm đen di động trong không trung. Từng cụm khói lam bốc lên từ chái bếp của những mái nhà sửa soạn cho bữa cơm chiều, con sông uốn khúc lượn quanh… Tất cả đọng lại như bức tranh thủy mặc trước mắt. Ở ngay dưới chân núi thôi nhưng Giang thấy sao mà xa quá.
Một bàn tay khẽ khàng đặt lên vai Giang. Quay lại, thì ra Thầy đã đứng sau lưng tự lúc nào mà Giang không hề biết. Nó bắt gặp ánh mắt của thầy cũng nhìn về hướng dưới chân núi. Nơi có mái nhà bốc lên từng cụm khói lam. Trong ánh mắt sâu thẳm của Thầy, Giang đọc được nỗi nhớ. Giang cũng từng nghe người dưới chân núi lên vãn cảnh chùa kể với nhau về thầy. Mà miệng đời như ngòi rạch thì làm sao ngăn. Họ nói rằng, thầy đi tu cũng từ nơi phát ra những cụm khói lam ấy. Nơi có một tình yêu không trọn vẹn trong cõi xôn xao của người đời. Nơi mà chiều nào đứng đây cũng thấy rõ mồn một từng cụm khói lam phấp phới tan vào trong mây cứ nhắc người ta về sự sống đang tồn tại và cuộc hạnh ngộ xa vời.
Rất nhiều lần, Thầy dẫn Giang vô rừng, xuống núi tìm dược thảo. Những khi chân Giang tóe máu vì đạp phải gai rừng, đá nhọn, Thầy đều cõng nó. So trọng lượng của Giang thì trọng lượng của những cụm khói lam kia có là gì đâu. Nhưng, chiều nay Giang đã thấy sức nặng ngàn cân của cụm khói lam trĩu nặng trên mắt Thầy. Xa xăm nhưng nặng trĩu. Giang tự hỏi :” Thầy có cõng nổi cụm khói lam kia như cõng nó không ?”
Ừ, đi tu khó lắm. Phải có căn duyên thì mới được trọn đường. Cũng giống như chữ HẠNH nằm kề chữ PHÚC vậy. Người sống có phẩm hạnh thì sẽ gặt được phúc đức. Bởi thế, trong nhân gian vẫn thường hay ao ước với tới được hạnh phúc đó sao.
Bất chợt, Thầy và Giang đều bắt đầu đọc bài kinh sám hối. Cả hai cùng lặng lẽ quay vô chùa trong tiếng lá rụng. Trước khi rời gót, Giang còn liếc nhìn xuống phía xa dưới chân núi. Từng cụm khói lam vẫn bốc lên rồi vương vào chân mây. Như đã vương vào phẩm hạnh của lòng thầy.
Trường Giang

            Nắng sau vườn khói
Thì đó cũng là khi nó mang ơn chị, ơn của người vừa cứu nó thoát trận lũ cuốn, người vừa cho nó tình thương, vừa cho nó cuộc sống. Nó không bao giờ sợ chết, nhưng mà chết là không còn được gặp chị, nó làm sao chịu nổi. Thôi thì sống, để trái tim còn đập cho chị, và hình như là mang hết tình yêu để trả lại chị…
 
Đã lâu rồi không về thăm chị. Căn nhà nhỏ bên này sông đìu hiu hơn cái thuở mấy đứa em chị còn xíu xít quấn lấy chân những trưa tan buổi chợ về. Mấy cây mai khô khốc chỉ còn đậu lại phiến lá xanh mờ phiến bụi mùa này lại không trổ hoa, sau vườn mấy cây lựu đỏ cũng buồn trái không đỏ thẫm như cái hồi chị tách đôi giữ cho mình một nửa. Cái ao sau nhà cạn nước, lổ chổ mấy cái hang cua, hang còng bỏ hoang hay là cái điển tích đi theo người tình phụ y trân như số kiếp của chị. Trường ngồi nhớ lại những ngày xưa mà lòng đau rát như máu rỉ ra từng chút một, như ai cắt khứa vào trong lòng nó mà lại nhẫn tâm bắt nó quên đi.
o0o
Về thăm xóm, mấy đứa nhóc ngày nào giờ đi học hết. 10 năm, chắc tụi nó lên cấp hai rồi. Mẩm có gặp lại cũng dễ gì biết ra thằng Trường đẹt năm nào giờ điển trai, cao lớn và có công ăn việc làm gì đó ngon lành trên thành phố. Trường cười, lời bà Bảy Trầu thuật lại ngọn ngành bao nhiêu lời đồn thổi về nó trong cái xóm trồng trầu lưa thưa này. Người ta hay phỏng đoán vậy, ít có ai hiểu nó hơn là chính nó, ngay cả cha dượng hiền từ nhận nuôi nó khi nó mới 15 xác xơ côi cút. Cả cái xóm này chỉ có chị, duy nhất chị mà thôi, chị hiểu nó rất nhiều, chị am hiểu cái sở thích kỳ quặc của nó là mê mẩn mấy cây lựu đỏ vườn nhà chị lúc vào mùa, cây lựu lá xanh mướt, nhỏ nhẻ mà cứng rắn cong lặng trong gió chiều. Những buổi chiều nắng sau vườn khói chỉ còn vài vạt chiếu xuyên qua kẽ lá dừa, chị bắt nó ngồi nhổ tóc sâu, mái tóc chị xoã dài mém đụng mé ao, nó không ngờ là tóc chị dài thế, mềm thế. Chị hái cho nó trái lựu chín, vị lựu giòn tan, buổi chiều thơm thơm mùi bông bưởi. Nó nhớ nó ghét thằng Sún, em chị, cái đứa hay ma mãnh giật nửa trái lựu đỏ trên tay nó, cái miệng he he hàm răng sún. Chị đền cho nó trái lựu to hơn, nó ôm trái lựu to chạy miết ra ngoài đê. Lúc ấy không có tình thương nào bằng.
Năm nó lên 14 tuổi, vẫn chưa dứt cái tên thằng Trường đẹt. Nó là dân của xóm trầu này khi nào đâu ai biết, chỉ biết nhà nó đi ghe về vùng đất này, năm ấy lũ mấp mé cả cái ván gõ nhà bà bảy Trầu, bão lớn đến độ ghe nhà nó gặp tai nạn lưu lạc hết, nó được người ta cứu trên một thân chuối dạt vào bờ sông, kể từ đó nó không còn nhớ cha mẹ nó là ai nữa, có ai hỏi nó chỉ cười, rồi mếu, rồi cười. Nó lớn lên bằng tình thương của người dân xóm trầu nhưng không đong đầy như tình thương ba má dành cho nó, chắc có lẽ vậy nên nó lớn không nổi, đó, thì gọi là thằng Trường đẹt thôi.
Duy chỉ có chị là không gọi nó như vậy, chị bổ sung nó vào một dọc ba đứa em trai của chị, có một đứa đã mất. Chị thương nó như tình thương của một người chị, cái thứ tình thương ruột thịt duy nhất mà nó tìm được trong cuộc đời này. Một thứ tình thương mỏng manh dễ gãy đổ. Bởi nó nghe nói chị sắp lấy chồng. Nghĩa là chị sắp sang sông. Nó sợ mất chị. Sợ hơn cả nỗi sợ không nhà.
o0o
Mùa mưa lũ khiến cuộc sống xóm trầu bộn bề khổ cực hơn rất nhiều, nó đi theo phụ ông Bảy Trà quăng lưới giăng câu. Âu thì cũng là qui luật bù trừ, niềm vui của người này đôi khi lại là nỗi buồn của người kia. Nghề chài cá thu được nhiều lợi nhuận, nhất là những bữa sóng to, cá nhiều, trên cánh đồng nước mênh mông, nó cùng ông Bảy so gan với đất trời, giản đơn cũng chỉ để có một thúng gạo cho qua mùa lũ, mưa cứ rich rả trên trời như thế. Những ngày tháng đó dường như mãi đi theo nó...
Hôm ấy mưa, suốt buổi chiều mưa dội nặng nề trên mái lá. Nó chạy ra đồng trong tâm trạng lo lắng lắm, nó lo ông Bảy gióng xuồng ra đồng nước giữa lúc mưa mù trời thế này thì nguy hiểm vô cùng. Ông bảy lại hay thấy nó ngủ say rồi hay giăng lưới một mình, đã có lần nó thấy ghe bị đảo, ông Bảy cầm giầm chống mạnh xuống đường ruộng rồi chống về, mưa nghiêng chiềng cái dáng mảnh khảnh của ông Bảy rồi bất chợt chùn tay chèo. Cái viễn cảnh ông Bảy đương đầu với sóng to lũ dữ đeo bám vào nó. Nó lo sợ lần này cũng giống vậy. Gió xé tạt đám lá chuối lạch phạch cong oằn theo triền đê. Cả cánh đồng nước có những đám bông lau lởm chởm cũng oằn theo một chiều không dứt. Con đê bỗng nặng nề rồi trãi dài dưới chân dường bất tận lắm. Nó thất thanh. Tiếng của nó không thấm thía gì với bão và gió đang vô tình cuốn bay mọi thứ trên đường đi ...
... Nó thấy mình nhẹ hửng, không còn la lối gì được nữa, tệ nhất là nó không thở được, có cái gì đó nghẹn ở cổ họng. Bàn tay bấu vào cái gì như bẹ chuối, còn chân thì lửng lơ, chuột rút, không chạm được vào cái gì cả. Ai đó nhấc bổng nó lên, có cái gì nóng hổi luồn qua vai, tím tái. Gió hất vào mặt lạnh ngắt, tiếng rào rào của mưa đồng vẫn bên tai, nhưng chen vào đó là tiếng người, tiếng chó sủa lẫn lộn, thảng thốt từng hồi. Nó sặc sụa. Thực quản đang mở dần, nước trào ra, không khí lại tuôn vào ngập tràn lá phổi. Nó không ý thức được mọi thứ cho đến khi nó tỉnh lại trên tấm ván gõ nhà bà Bảy, thấy khuôn mặt chị xanh xao chằm chằm vào đôi mắt nó đang hấp háy dưới ngọn đèn chong, ngọn tóc bám trên má nhỏ xuống vài giọt nước vừa nóng, vừa lạnh.
Thì đó cũng là khi nó mang ơn chị, ơn của người vừa cứu nó thoát trận lũ cuốn, người vừa cho nó tình thương, vừa cho nó cuộc sống. Nó không bao giờ sợ chết, nhưng mà chết là không còn được gặp chị, nó làm sao chịu nổi. Thôi thì sống, để trái tim còn đập cho chị, và hình như là mang hết tình yêu để trả lại chị.
o0o
Chị mang cho nó hai ba trái lựu chín trong cái khăn trùm đầu rằn ri màu xanh bạc rồi đi chợ. Nó nhớ mùi bông bưởi thoảng nhẹ nhàng cùng cái vị giòn giòn của lựu chín ghê gớm. Khẽ nhoài người ra khuôn cửa bằng mây tre yếu xìu, nó với giọng : "Hai ơi.. cám ơn nghen!". Chị giật mình, quay lại mỉm cười rồi te tái bước. Đôi mắt có đều gì vừa vui vừa xót xa. Nó khó hiểu, đem chuyện nói với bà Bảy.
-"Con Hai sắp lấy chồng rồi, ở đây mấy ngày nữa đâu. Tụi bây ráng mà thương nó !". Bà Bảy vừa nói vừa chà chà xác trầu trên răng. Bà bảy hay ăn trầu vậy. Nó nhìn bà bảy, lẳng lặng chạy ra vườn, nắng sáng chiếu lửng lơ buồn buồn xuyên qua mấy làn khói. Khói bếp cay xè mắt mũi.
Tuần sau, mấy cái ghe đước trang trí cờ hoa võng lọng cập mé bờ kinh. Hôm ấy là một ngày mưa ảm đạm, thế nhưng người dân xóm trầu trông đó làm vui. Biết bao lâu mới có một cái đám cưới rôm rả, mà nghe đâu chú rể là con ông chủ tịch xã có bà vợ nhơn đức nổi tiếng ở thị trấn bên kia sông, rằng con Hai Thảo về ở bển sẽ sung sướng như bắt được vàng. Đám cưới có mấy chục mâm quả, có cau trầu, có bà mối hẳn hòi. Không biết chị có lấy đó làm vui không nhưng ai đời đi đưa dâu mà đôi mắt nhòe nhoẹt ướt. Bờ bên kia người ta ì xèo đón cô dâu mới, nó ngồi bên này, chỉ biết lặng thinh.
Rồi nó cũng xa quê, cái ngày chị sang sông cũng là ngày dượng nó bắt được tin tức dong ruổi của mấy ông lái trầu bán trên tận thị xã rằng nó đang sống dưới xóm trầu. Nó thương cái dáng ông dượng khắc khổ sương gió đi tìm nó, chỉ để giữ với ba nó lời hứa, như giữ trách nhiệm phải trả ân nhân mình theo cái nhân cái nghĩa ở đời. Nó lặng lẽ rời khỏi xóm trầu hồi nào chẳng ai biết. Chỉ kịp đặt ở bậu nhà ông Bảy vài trái lựu chưa chín, te tái chát.
Trong cuộc đời con người ta gặp bao nhiêu là hên xui may rủi. Có những cái may mắn đến cứu nó thoát khỏi cảnh thất học tối tăm của đời một người chỉ biết bám vào lũ mà sống. Nhưng cũng chính cái vận may đó làm mất đi của nó nhiều thứ. Cái thứ mà nếu nó được đánh đổi, chắc nó cũng sẽ đánh đổi. Bởi cho dù mãi mãi nó vẫn là một thằng mồ côi xơ xác, mãi mãi sống ở cái xóm trầu nghèo hèn này, mà được thấy chị, được gần chị, thì bấy nhiêu cái thành quả mà nó có cũng chỉ là hư ảo mà thôi.
o0o
10 năm, nó tìm đường trở về xóm trầu. Về dòng sông, về cái vườn rộng ngày nào xác xơ mấy cây lựu không ra trái nữa. Những nếp nhăn trên trán bà Bảy hằn lên bao nhiêu biến cố của cái xóm nghèo này. Bà vẫn giữ thói quen nhai trầu cho dù cái cơi thời buổi kinh tế thị trường không còn đầy xanh những lá trầu như hồi trước nữa. Bà chỉ tay về phía bên kia bờ sông khói hun hút, lặng tờ mấy cánh đồng sóng, biểu có rãnh qua thăm chị Hai, chị khổ lắm, nghe đâu con ông xã uống rượu về hay đánh chị, rồi đuổi chị ra khỏi nhà. Chắc có lẽ vì nghèo nên mẹ chồng không ưa, cũng không cản. Lại còn dè bỉu chị sâu cay "Cây độc không trái, gái độc không con", ít lâu sau chồng chị đi theo người khác, bỏ mặc chị cay đắng với sông dài vô bờ vô hướng. Sông dài quá chị không về, hay vì lẽ gì mà chị chẳng về, mãi ở bên đó thế kia?
Nó không bao giờ biết, chị đi đâu, chị về đâu. Bởi trong tâm thức của người dân xóm trầu giờ này, chắc gì có còn lưu lại hình ảnh chị Hai Thảo hiền lành qua bấy nhiêu năm trời xa ngái. Bao nhiêu năm khắc khoải mong tìm về, tìm về để chỉ biết chị có còn giữ hình ảnh của mình ngày xưa, có còn giữ ánh mắt chị ngày xưa. Mà chỉ cần chị còn giữ một chút thôi, một chút thôi thi thảng trong đôi mắt chị, là cũng đủ làm lòng nó ấm áp xiết bao. Nhưng biết tìm đâu bây giờ, tìm về những tháng năm xưa cũ hay là tìm trong những câu chuyện làm tối tối ngồi nhìn ra đồng mà tự dưng nước mắt trào tuôn không ai muốn. Trách cái then cài cửa ủ dột hoen úa cứ đâm miết vào lòng vào dạ mà nghe thương nhớ, xót xa.
o0o
Đã lâu rồi không về thăm chị. Mái nhà cũ xác xơ nay đã bạc phết, khẽ rơi rụng theo mấy ngọn gió chướng rồi xoay xoay vô định. Ngõ xưa vườn cũ còn đây mà bóng chị đã xa khuất. Bên kia sông, ngọn cỏ lau cong cong như nét cọ vẽ trong mây nước, cong cong như nắm đất tròn cuối cuộc đời chị lúc thanh lặng lúc dật dờ. Thấp thoáng trước mắt hình ảnh chị quầy quả chiếc giỏ mây con con đi chợ về trên con đê đã thương tiếc cất giữ giùm cho nó một trời yên bình của tuổi thơ. Chưa kịp nói cho chị biết rằng vẫn có người còn thương chị, còn dằn xé biết bao khi chẳng thể làm được gì có nghĩa với chị. Chưa kịp về nhỏ một giọt nước mắt khóc cho cả cuộc đời chị chưa trọn một ngày vui. Nhưng biết đến bao giờ? Chị ơi !...
Về thăm chị, cửa đóng then cài. Buổi trưa chỉ loáng thoáng tiếng gà nhảy ổ, tiếng tài tử cải lương xuống sề một câu quen thuộc mà bất cứ ai trong cái xóm nghèo này cũng nằm lòng, cũng biết. Nắng sau vườn khói hiu quạnh thả lên trời. Ngộ quá, buổi trưa mang máng đầy khói cứ thả lửng lơ sau vườn như thương nhớ đều gì xưa cũ xa xôi.
Cảm giác buồn như gióng lên từng hồi, cứ dâng lên tận đâu đâu.
HỒNG NGỌC DIỆU AN
    
Buổi chiều sương khói
 Tôi về lại nơi này sau nhiều năm đi xa, ngọn đồi này gắn liền với thời tuổi trẻ đầy mộng mơ lãng mạn của tôi và các bạn mà đi qua nhiều năm tháng tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp đẽ ấy như một chút dỗ dành nếu có khi nào chợt gặp những buồn bã trên đường đời.
Khi tôi bước lên bậc cấp cuối cùng để đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống, dưới xa kia cảnh vật không còn giống như những hình ảnh cũ trong ký ức của tôi. Xưa kia từ chỗ này nhìn xuống sẽ thấy những ô ruộng đổi màu xanh hay vàng theo vụ mùa, giờ đây nhà cửa phố phường đã lấn hết mọi thứ. Bây giờ không còn những mặt nước để đón ánh mặt trời lấp lánh, bây giờ không còn những gợn lúa uốn lượn theo gió mỗi chiều.
Tôi bước xuống đồi và dừng lại ở lưng chừng đồi nơi có tượng Đức Phật nhập Niết-bàn, những ngày cuối năm, nhiều người về thăm chùa đã lên đến đây thắp hương cho Phật để hướng vọng hay thỉnh nguyện mọi sự bình an. Chắc tôi không giống họ, tôi đang nhớ về chuyện ngày xưa từ khi còn là đứa bé mới lên mười. Tôi ngồi xuống một viên đá thấp nhìn xuống những mái ngói đỏ sẫm màu đã rêu phong theo thời gian, thấp chút nữa là mảnh sân nhỏ được che mát bởi bóng lá của những cây hoa ngọc lan. Nơi đó gắn liền với một thời tuổi thơ tôi êm đềm, ngọt ngào mà mỗi khi nhớ lại tôi cảm nhận được trong lòng mình tình yêu với nơi này không hề vơi dù cho bao nhiêu năm tháng đã trôi qua.
Nhà tôi ở sát bên hông chùa, cách nhau chỉ một bờ rào hoa dâm bụt. Ngôi chùa nhỏ lặng lẽ nằm dưới một gốc bồ-đề cao lớn, tôi từng thắc mắc không biết chùa và cây, cái nào có trước. Khi tôi đủ lớn để theo mẹ sang chùa vào những ngày rằm mồng một hoặc cùng mấy nhỏ bạn trong xóm chiều chiều đùa giỡn trong sân thì chùa cũng đã được nhiều người biết đến. Nhưng trừ những ngày lễ thì chùa rất vắng, chỉ tiếng chuông sáng sớm và mỗi chiều mới làm người ta nhớ nhưng có khi quen thuộc quá mà người ta cũng quên là mình ở cạnh một ngôi chùa. Nhưng chúng tôi thì không quên bởi trưa nào cũng sang chùa ngồi trên thềm bên hông chùa để học bài, làm bài. Học xong thì nhảy dây hay chơi giải gianh bằng những viên sỏi nhặt được ở triền đồi.
Thầy trụ trì hồi đó chưa già lắm nhưng rất hiền, chỉ nhắc nhở, dặn dò chứ không la mắng nếu có lúc chúng tôi vì vui quá mà gây ồn ào. Có khi gặp bài toán khó chúng tôi còn đem đến nhờ thầy giảng hộ, rồi đến văn hay nhiều môn học khác thầy cũng không từ chối. Một lần thầy đi đâu đó rất lâu, khi trở về thì dắt theo một đứa con trai trạc tuổi tôi, một đứa bé gầy gò, ốm yếu, đen nhẻm chỉ có đôi mắt thì rất to lúc nào nhìn cũng gườm gườm như cảnh giác với mọi người. Đứa con trai ấy tên Định, sau này là bạn của tôi.
Định ở lại chùa với thầy, ngoài thời gian làm việc lặt vặt trong chùa Định cùng học chung với tôi và các bạn. Được một thời gian thì Định để tóc trái đào, khi tóc trước dài quá cậu ấy vén qua một bên tai trông rất ngộ, Định lại chỉ mặc áo bà ba màu lam hoặc nâu và thầy bảo chúng tôi gọi Định bằng chú, chú Định.
Lên cấp ba thì tôi và chú Định học chung trường, chung lớp, đó là thời gian tôi có dịp để biết và hiểu về chú Định nhiều hơn. Bên trong dáng vẻ cộc cằn khó tính, khó gần của Định là một con người rất đa cảm, nhiều tâm sự mà khi đã tin tưởng thì chú không ngại ngùng chia sẻ. Định được đặt tên theo quê của mình: Bình Định.
Ở đất vua nhưng nhà Định nghèo, nghèo xác xơ, một mảnh ruộng cũng không có nên cha mẹ của Định phải cày cuốc thuê cho người ta. Làm thuê thì cũng đắp đổi qua ngày nhưng mẹ của Định không cam lòng nên một ngày bà âm thầm cầm cố mái nhà vốn đã sập sụi lấy một số tiền và bỏ đi, để lại cho cha Định hai đứa con trai nhỏ dại, khi mà thằng em của Định nói còn chưa sõi. Mấy năm sau thì Định cũng bỏ nhà đi trên một chuyến tàu lửa, chỉ với suy nghĩ đơn giản là tìm mẹ về phụ cha vì thấy cha khổ quá.
Mười hai tuổi một mình vào thành phố, Định lang thang tìm việc, có người thương hại cho Định rửa chén đổi miếng ăn nhưng đôi tay nhỏ, gầy yếu đó làm vỡ nhiều thứ nên Định bị đuổi. Lại lang thang đói quá chỉ còn biết đi xin, tối về tá túc dưới hiên nhà người ta, cũng may có người thương hại nhận về nuôi, lần này là mấy cô gái còn trẻ bán bia ôm, họ cùng nhau ở chung trong một căn phòng nhỏ chật chội, tối tăm. Ngày mấy cô ôm nhau ngủ thì Định ngồi trước cửa nhìn bâng quơ ra khu chợ nhỏ bên kia đường, cũng chẳng suy nghĩ được gì. Chập tối mấy cô đi làm sau khi quăng cho Định ổ bánh mì hay một hộp cơm, họ đi rồi Định sắp xếp lại quần áo họ quăng bừa bãi trong phòng, lau lại căn phòng cho sạch sẽ. Khuya lắc khuya lơ, khi Định co ro nằm trong góc phòng, trên nền gạch ẩm lạnh với một mảnh ra cũ làm mền, giấc ngủ láp nháp thì họ trở về gọi cửa. Căn phòng nhỏ lại sực nức mùi bia, đôi khi còn là mùi thức ăn mấy cô ói ra mà Định phải quét dọn đến hết đêm. Mười hai, mười ba tuổi chắc cũng đã hiểu được mình đang trải qua điều gì nhất là khi mấy cô gái có lúc thay áo váy, để trần đùa giỡn xem Định như không mặt trong phòng.
Một buổi chiều, mấy cô gái đi làm, Định cũng bỏ đi, ngang qua khu chợ trong bóng chiều chập choạng, chân va vào mấy con chuột cũng đang giờ kiếm ăn mà Định ứa nước mắt nghĩ mình còn thua lũ chuột không biết tự kiếm ăn. Lại lang thang. Lại đói rét. Khi thầy gặp Định là lúc Định gần xỉu vì đói, run rẩy núp dưới gầm cầu tránh rét. May mà còn gặp được thầy.
Đó là những điều tôi góp nhặt được trong nhiều lần nói chuyện với Định. Năm học lớp mười hai Định về quê chịu tang cha, trở lại chùa cậu ấy làm cho bọn tôi giật mình vì bộ dạng suy sụp, nhìn rất thảm thương. Tôi không biết an ủi bạn thế nào ngoài việc ngồi yên nhìn Định khóc. “Hạnh biết không” - khi nào buồn lắm Định mới gọi tôi như thế - “cha tôi đau mà không có tiền uống thuốc, nếu không thì không đến nỗi. Ông chết mà không có tiền xây mộ, không có nhà, phải gởi bát hương ở nhà người khác”. “Mẹ Định có về không?”. Định lắc đầu, tiếng nói như mắc lại trong cổ: “Bây giờ có khi tôi quên luôn mặt mẹ tôi rồi”. Lúc ấy thầy lại dang tay an ủi, dỗ dành. Không biết thầy dạy Định điều gì trong những buổi sáng sau thời kinh, tôi lại thấy Định bình tĩnh trở lại với những buổi sáng làm công quả trong chùa, ngày ngày học hành chăm chỉ. Cứ thế năm học kết thúc, chúng tôi cùng thi đỗ đại học, tôi vào thành phố đi học rồi ở lại đó làm việc, lấy chồng sinh con, lâu lắm hôm nay tôi mới trở về.
- Cô Hạnh về thăm chùa đó à?
Tôi giật mình nhìn lên, trước mặt tôi là một nhà sư dáng cao, đậm đà, nước da ngăm đen và đôi mắt rất sáng, nụ cười rất quen. Tôi ngỡ ngàng nhận ra người bạn thời thơ ấu của mình:
- Chú Định phải không?
- Cảm ơn vì còn nhận ra tôi. Cô về ăn Tết phải không? Có đưa mấy đứa nhỏ cùng về chứ?
Tôi hơi lúng túng không biết xưng hô thế nào, quá lâu rồi, chắc chắn không thể gọi tên như hồi nào. Đoán được ý tôi, chú Định cười:
- Cứ gọi tôi là chú Định cũng không sao, tên gọi thôi mà.
- Hồi thầy thọ giáo quy y tôi có nghe mẹ tôi nói, thỉnh thoảng tôi có về thăm nhà, ghé qua chùa nhưng không lần nào gặp thầy.
- Bây giờ sư ông cũng già yếu rồi nên tôi phải thay sư phụ đi công việc này nọ, có khi tôi không ở chùa tới mấy năm, nhưng mỗi khi gặp bác Năm tôi đều hỏi thăm cô.
- Tôi có nghe mẹ tôi nói, mẹ tôi còn nói thầy đi dạy, viết sách mà xây được nhà rồi phải không?
- Cô Hạnh cười nhạo tôi đó hả? Không sao, chính tôi còn không chịu được mình, đâu có ai đi tu mà còn ao ước xây cho được cái nhà như tôi. Nhưng thật ra nhiều năm nay tôi vẫn đau đáu một điều trước khi là con của Phật, tôi là con của cha mà tôi chưa làm gì được cho cha mình. Bây giờ tôi an tâm rồi, tôi đã xây được mộ cho cha, tôi cũng xây được cái nhà nhỏ trên khu đất cũ mà người chú đã chuộc lại cho, bát hương của cha tôi không còn phải để nhờ ở nhà người khác. Bây giờ thằng em tôi đang ở trong ngôi nhà đó với cha, nó mới cưới vợ đầu năm nay, chính tôi đã chủ trì lễ hằng thuận cho nó trong chùa này. Tôi đã có thể trọn mình với con đường mình chọn. Cô mừng cho tôi không?
- Tất nhiên rồi!
Chúng tôi nhắc về những người bạn ngày còn nhỏ, thầy Định nhớ không sót một người nào, những kỷ niệm ngày xưa cứ như mắc vào nhau nhưng điều làm tôi vui nhất là trước mắt tôi thầy Định không còn là người thiếu niên khắc khổ, buồn bã ngày nào. Chúng tôi cùng bước xuống đồi, thầy Định nhắc tôi: “Cô nên thường xuyên về thăm nhà hơn, bác Năm cũng nhiều tuổi rồi”. Tôi cảm ơn thầy và thấy mình rất có lỗi khi cứ để cuộc sống cuốn hút mình mà quên rằng theo năm tháng mình lớn lên thì cha mẹ cũng già đi.
- Thôi, cô Hạnh vào thắp nhang lạy Phật rồi về, cũng tối rồi. Nhớ vào lạy Tổ trước, cô là hay quên lắm đó!
- Dạ. Thầy cho tôi gởi lời thăm sư ông. Tết tôi sẽ qua chùa mừng tuổi sư ông.
- Được rồi. Hăm bảy cô cũng qua chùa gói bánh tét như hồi xưa chứ?
Thầy nhắc làm tôi nhớ những đêm cuối năm ngày xưa theo mẹ qua chùa gói rồi nấu bánh tét để cúng đầu năm, chuyện cũ trở về làm cho lòng tôi ấm áp quá chừng. Tôi chào thầy xong vào chùa thắp nhang cho Tổ và lạy Phật rồi đi về. Bước qua mảnh sân nhỏ nơi ngày xưa mình vẫn chạy nhảy hay ngồi học bài, lòng tôi bồi hồi, tưởng như những ngày ấy mới thoáng qua đâu đây. Cây bồ-đề cũ vẫn vững vàng, tàng lá xanh với những chiếc lá hình trái tim ve vẩy trong trời chiều, cây hoa ngọc lan ở cổng chùa đã cao lớn hơn xưa đang tỏa hương nồng nàn. Mảnh trời nhỏ nhìn qua tàng cây xanh đang dần nghiêng một màu lam khiến cho không gian chiều bàng bạc như sương, như khói, một màu lam thanh bình và an lạc.
  Lưu Cẩm Vân
                    Khói bay về trời                            

Thứ khói ấy chỉ còn trong hồi ức.
Làng vào đông, độ chục năm về trước, khi những tảng mây dan díu nhau giăng mang mang xám bạc. Đồng mòn gốc rạ, cả một vùng không gian bao la thẳng cánh cò bay không còn dập dìu dáng lúa. Đó là vụ trồng hoa màu, kéo dài từ sau lúc gặt xong mẻ lúa mùa, cho đến hết tháng ba dương lịch, năm sau.
Hanh hao. Thằng bé tôi ngày ấy đã quen với tiếng gió bấc xé lá chuối ràn rạt ven ao, ngay khi sớm tinh mơ vừa chập chờn thức giấc. Cái lạnh rít qua đám ngói hở mái nhà, ùa về trước sân cuộn tròn cát bụi và lá khô lạo rạo. Những chú gà đã dậy từ lâu, liếp nhiếp đòi ăn, xen lẫn tiếng eng éc cạy cửa của tên lợn ục ịch trong chuồng. Thật nhốn nháo. Cái nhốn nháo nơi thôn quê chỉ càng gợi thêm lên một không gian hiu quạnh, tĩnh lặng đến khôn cùng...
Mẹ tôi- chắc chắn rồi, khi ấy, người sẽ lại lặng mình bến bếp củi. Lửa xèo xèo, lép bép. Sau này, như lúc này, mỗi độ nhớ về người, tâm trí tôi tái hiện đầu tiên cái dáng ngồi trầm ngâm mỏi mòn như tạc vào thế kỉ ấy- dáng của Vọng Phu, dáng của Nhẫn nại, của hi sinh... Mẹ tôi khóc nhiều hơn nói. Ánh mắt người đượm nỗi niềm của một chiều thu hoàng hôn nhoen đỏ. Mỗi độ đông sang, thân thể người phả ra thứ hơi ấm diệu kì, mạnh mẽ mà không gắt gao như lửa. Bởi lẽ đó, tôi chỉ thực sự chịu rời xa chiếc giường người nằm, cho đến hết đông của năm học lớp mười.
Khói. Vẫn chưa phải là thứ khói quê hương- khói lam chiều, chưa phải thứ khói cất lên từ gian bếp mẹ ngồi. Mọi thứ chỉ thực sự vỡ òa, khi đột ngột bữa cơm sáng lạnh nào đó, mẹ tôi quay sang nói với cha:
- Bữa nay nhà mình đi hộ Gạch.
Kể từ giây phút ấy, tôi vẫn nhớ như in về sự hân hoan rộn lên trong lòng, trên bước chân mình tung tăng tới trường, hân hoan vì tâm trí hình dung lên bóng dáng cái lò gạch, với những màn khói loang xanh giăng một chòm xóm.
Hộ gạch- ấy là thời khắc làng tôi đông vui như trẩy hội. Sống với cái đói cái rét, cái khắc khổ trường kì, người nông dân từ thuở ông cha ta xưa kia, đã biết đùm bọc, gắn kết nhau. Bây giờ, phố thị ấm no người ta không vậy, hoặc ít vậy, bởi tự thân mỗi tổ ấm đã có thể chăm lo cho mình. Cùng với dòng chảy thời gian, tôi trở về làng đang lên phố. Vồn vã chẳng còn ngự nơi ánh mắt láng giềng nhìn sang nhau. Đôi khi, hoài niệm quá vãng dâng lên trong tôi lớn đến độ: tôi ước sao cho làng mình mãi cứ nghèo, như cái thời người người hò nhau đi hộ gạch...
Đông hanh. Cánh đồng sau mùa gặt bạc khô nứt nẻ. Ấy là thời điểm thuận lợi để đào đất đóng gạch. Xa xưa, gạch được làm thủ công, đất vun đống được nước tưới cho nhuyễn, xong đem về khoảng sân rộng tẩm cát cho đỡ dính và đúc thành từng viên qua chiếc khung hình chữ nhật. Sau dần công nghệ phát triển, gạch được sản xuất theo dây chuyền, đỡ tốn sức người, xong thi thoảng vẫn có những tai nạn thương tâm xảy đến từ cái máy đùn gạch. Một vài trường hợp bất cẩn, thợ đùn gạch chủ quan lấy chân dận cho đất thụt xuống cái miệng máy đùn, không may máy nuốt cả chân người, máu và thịt quyện với đất đồng đùn ra đỏ ối...
Hộ gạch. Những viên gạch nỏ queo được đẽo bằng khung tay hay đùn bằng khuân máy, được bao bàn tay thoăn thoắt tung lên, chuyền nhau, xếp gọn gàng khoa học cao lên mãi thành lò. Người lớn cười đùa ha hả, trẻ nhỏ ríu rít chạy ra chạy vào. Đồng đất quê hương. Trước đó, chúng tôi đã được thỏa thuê với trò chơi từ đất. Khi viên gạch đang trong giai đoạn thành hình, chúng tôi hò nhau đi...ăn trộm của nhà làm gạch những nhúm đất nhuyễn, dẻo quẹo, đem nặn ô tô, máy bay, đồ chơi, quà hàng. Nặn đất, không thể không nhắc đến pháo đoành. Năm sáu đứa túm tụm mở hội thi pháo ai nặn kêu to. Chế pháo giống với nặn chiếc nồi nhỏ, càng khum càng tốt, và nhất thiết phần đáy khum phải tán cho thật mỏng, thật đều, để khi dùng lực tay quất mạnh pháo xuống đất chiều úp ngược, không khí bị nén đột ngột, không đường thoát, sẽ phá vỡ phần đáy khum và tạo ra tiếng nổ. Khum to và mỏng đều cho lỗ nứt lớn, tiếng kêu trầm, vang, khum càng hẹp, độ mỏng chỉ tập trung về phía giữa, thì tiếng nổ đanh nhưng kém sức vọng hơn. Những tràng cười cứ nối nhau ha hả, để rồi khi mắt trời khuất bóng, đây đó ngõ ngách đường thôn thi thoảng những tiếng đoàng đoạc vẫn vang lên, tận đến khi cha mẹ sắm roi đến lôi về mới chịu tan cuộc. Hôm sau đến lớp, do lạnh giá, tối trời, lười tắm, chân tay tụi tôi vạch lên những vết nẻ, lấy ngòi bút chì khía cũng hằn lên đường trắng của ghét bẩn.
Tụi nhỏ bây giờ thì không đứa nào còn mảy may biết đến những trò như thế nữa. Tôi đi học, thấy phụ nữ thành phố chăm con mình như vàng như ngọc, ra ngoài trời xém thấy miếng nắng chiếu vào làn da non đã xuýt xoa hoang mang, nói gì đến việc họ chấp nhận để con mình chân không đi dép nghịch cát cả ngày bôi mũi ra tay...Trẻ em bây giờ là lớp chồi măng trong cái thời Công nghiệp hóa hiện đại hóa, cái ăn cái uống đã no nê thành ra sự rảnh rang hay điều kiện chăm sóc của các đấng sinh thành được nâng cao. Tôi nhớ đến những đứa trẻ vùng cao, bốn tuổi năm tuổi đã khoác gùi to hơn cơ thể, phăng phăng vượt dốc vượt đồi đem sản vật cây nhà lá vườn lên chợ huyện bán. Sống với thiên nhiên, nên cái gió cái rét không làm hại con người, chẳng bù trẻ nhỏ thành phố lớn ngồng ngỗng lớp chín lớp mười rồi mà vừa ra mưa một hôm đã cảm cúm cảm lạnh. Thể trạng người Việt mình đang lớn hơn, nhưng yếu đi...
Hộ gạch. Cái niềm hân hoan tôi đã nói ở trên kia, không bó hẹp ở cái không khí bầy đàn vui nhộn. Hơn thế nữa, nó chợt vụt biến thành cái khát khao, thành nỗi nhớ trông mong. Trẻ nhỏ tụi tôi ngày ấy sinh ra vẫn nhằm vào thời thiếu đói. Phàm là đám cưới, đám dạm, hay đám hộ gạch, chúng tôi biết, mình sắp có một bữa ăn ngon. Niềm hân hoan của tụi tôi không khác xa với người lớn là mấy. Chắc hẳn rằng những bác, những cô, nhưng ông những bà đang cười đùa phớ lớ móm  mém kia, cũng đã thảng hoặc hình dung tới phút quây quần dô hò cùng đụn chè cốc rượu. Gạch vào lò nhanh lắm. Chỉ một buổi, đã xong xuôi đâu đấy, nhìn lên chiếc lò vuông vức, sắc xám trắng của gạch đan xen màu đen tuyền của than, ai nấy đều gật đầu xuổi tay kì vọng. Chỉ một lát nữa thôi, khi bữa cơm đến hồi tan cuộc, củi sẽ được chất dưới hầm lò, lửa nổi lên, những chiếc quạt cánh to thổi vù vù, xối xả. Than gạch rực hồng kịp lúc trời tối hẳn, xua tan cái lạnh của gió bấc và màn đêm lặng lẽ ùa về, ai cũng thấy có một ngọn lửa trong lòng, mênh mang...
Cha tôi hồi ấy rất được xóm làng nể trọng, không chỉ việc làng việc xóm ông tham gia đều đặn, nhiệt tình, mà còn ở cái tài khéo léo. Từ đám ma đám chay ông Trị Huyệt ( đào mộ ) đắp mồ,  đến cưới xin lên hát hò chúc mừng các kiểu, công đoạn châm lửa lò gạch cũng cần người biết ưu nhược của hướng gió, cách vào lò để mà tính toán lên lửa thế nào cho phải. Ai cũng đặt niềm tin nơi ông, vì có bàn tay của ông, ắt lò gạch chắc chắn lửa sẽ bén đều, bén đượm. Gạch chín vừa phải, những lớp bùn tẩm rơm đắp chát quanh lò gạch chuyển sang màu cam vì bị nung cho khô cong, cũng là lúc lửa sắp tắt. Một vài ngày sau, bóc lớp vỏ ngoài, thấy viên gạch chín hồng vừa lửa, không non không phồng, ấy là một lò gạch đẹp, thành công.
Tôi không nhớ rõ cha mình đã tham gia trong bao nhiêu vụ gạch, chỉ biết rằng cái thời đó, đã lùi xa , lùi sâu vào quá vãng. Những tháng ngày xóm làng vẫn đượm chất nguyên khôi, hoang sơ thuần khiết, ở đó, con người chỉ dùng tình cảm, tình mến thương để đối đãi với nhau...
Chao ôi, nhớ quá! ...
Những mùa khói đã bay về trời, còn lẩn quất trong tâm trí người con quê hương, là tôi đây, thương yêu đến lạ. Khói cũng chẳng phải khói lành như khói rạ , khói rơm, ám vào đâu thì cây lá tươi xanh đổi màu héo úa, rụng lả tả cho đến lúc trụi cành, tang thương. Thế nhưng khói ấy, trong tôi,  tự bao giờ đã hóa hồn đất, hồn quê hương, hồn tuổi thơ không thôi gợi nhắc.
Quê hương bây giờ đã đổi khác. Mới hơn độ chục năm mà bóng dáng xóm làng dần thay da đổi thịt, vững chãi vươn lên, nghe đâu sắp tới tầm thị trấn. Cái bản đồ quy hoạch Tỉnh vừa vạch một con đường nhựa thẳng tắp, rộng thênh, chạy xuyên từ đất liền cho tới bờ biển, hòa vào tuyến đường Quốc lộ, Quốc Gia. Vậy là chẳng còn bao lâu nữa, nơi đây đã lại có được sự xôn xao, huyên náo chốn phố phường phồn hoa đô hội...
Tôi lang thang nơi quê hương một chiều thu đỏ lịm. Nắng hắt chéo lên những mảng tường, cách đó vài ba năm còn rêu hoen sờn xỉn, nay đã lại được tân trang bằng thứ sơn thế hệ mới, ruồi bọ đậu vào thẳng cánh trượt chân. Tôi không chú ý nhiều đến màu sơn. Tôi chỉ nhìn màu nắng. Nắng hoài niệm nhuộm thấu những mảng tường, soi sâu vào bên trong lần cát vữa xi măng. Vẫn là những viên gạch ấy, vẫn là những đợt khói về trời năm ấy, đang âm thầm kiến tạo nên những đổi mới quê hương tôi...
Và thứ khói ấy lại tràn về, thiếu thốn ô xi, nhưng lại thơm hương đến lạ...
Hà Mạnh Luân